Các cách cải thiện hệ tiêu hóa của trẻ mẹ nên biết

Hệ tiêu hóa của trẻ em khỏe mạnh không chỉ giúp con hấp thu chất dinh dưỡng để phát triển tối ưu mà còn là “hàng rào miễn dịch” giúp chống lại bệnh tật và là nhà máy sản xuất hormone “hạnh phúc” cho cơ thể. Cùng tìm hiểu các cách dưới đây giúp con duy trì bộ máy tiêu hóa khỏe mạnh.

Cho trẻ ăn sữa chua để khỏe đường ruột 

Sữa chua là sản phẩm lên men tốt cho đường ruột. Hàm lượng lợi khuẩn trong sữa chua giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ trẻ tiêu hóa dễ dàng và hạn chế các vấn đề như táo bón, chướng bụng, tiêu chảy,…

Mẹ nên chọn loại sữa chua không đường hoặc ít đường, kết hợp cùng trái cây để tăng thêm hương vị. Đồng thời nên cho trẻ ăn sữa chua sau bữa chính khoảng 1 giờ và không để trẻ ăn khi bụng đói.

Khi không cần thiết: Đừng cho trẻ dùng kháng sinh

Dùng thuốc kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Vì thuốc kháng sinh thường tiêu diệt cả hại khuẩn và lợi khuẩn, gây mất cân bằng hệ vi sinh và dễ gây ra rối loạn tiêu hóa. Vì thế, việc cho trẻ uống kháng sinh cần có bác sĩ kê đơn, mẹ không nên tự ý mua thuốc cho con sử dụng.

Món ăn hàng ngày cần đảm bảo vệ sinh 

Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, chóng mặt,… Chưa kể, các chất độc trong thực phẩm không vệ sinh còn có thể tích tụ và gây nên nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Ngoài ra, việc chế biến thực phẩm sai cách cũng khiến trẻ không hấp thu đầy đủ dưỡng chất và kém phát triển.

Do vậy, khi chế biến đồ ăn cho trẻ, mẹ nên lựa chọn thực phẩm tươi ngon, rửa sạch trước khi nấu và đảm bảo vệ sinh cho dụng cụ nấu ăn. Còn với sữa công thức, mẹ cần pha sữa đúng theo hướng dẫn, không trộn chung nhiều loại sữa với nhau, dùng nước lọc đun sôi để nguội pha sữa, không cho trẻ dùng sữa còn thừa,…

Tẩy giun định kỳ cho bé theo độ tuổi

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị nhiễm giun đường ruột do sự hiếu động, thích chạm vào nhiều vật xung quanh. Khi bị nhiễm giun, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, chậm lớn, suy dinh dưỡng, thiếu máu,… ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất và sức khỏe tinh thần của con.

Theo đó, mẹ nên tẩy giun định kỳ (6 tháng đến 1 năm) với trẻ trên 2 tuổi hoặc khi con đủ 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, với trẻ dưới 2 tuổi thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tẩy giun. Ngoài ra, mẹ có thể cho trẻ uống thuốc tẩy giun vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nếu trẻ không nuốt được viên thuốc thì mẹ hãy nghiền nhỏ hoặc cho trẻ nhai nuốt với ít nước nhé.

Hạn chế cho trẻ dùng các thực phẩm gây đầy hơi

Đầy hơi chướng bụng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tiêu hóa của trẻ, khiến bụng con lúc nào cũng khó chịu, ăn không ngon hoặc không muốn ăn. Trẻ bị đầy hơi thường có các triệu chứng như bụng căng hơn bình thường sau khi ăn 1 – 2 giờ, vỗ nhẹ bụng sẽ có âm thanh rỗng như tiếng trống, quấy khóc, lười ăn, không thể xì hơi.

Một số loại thực phẩm gây đầy hơi mẹ nên tránh cho trẻ ăn như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, yến mạch, bắp cải, măng tây, đồ chiên rán, đồ uống có ga,…

Thêm thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn

Chất xơ làm phân mềm hơn, dễ dàng di chuyển qua hệ tiêu hóa. Trẻ em từ 2 tuổi trở lên nên được bổ sung lượng chất xơ bằng số tuổi cộng thêm 5g mỗi ngày. Ví dụ, bé 5 tuổi cần ăn 10-15g chất xơ/ngày.

Các thực phẩm giàu chất xơ bao gồm trái cây, các loại rau. Mẹ nên tăng lượng chất xơ từ từ để hệ tiêu hóa của bé có thời gian làm quen, thích ứng, tránh tình trạng đau bụng, đầy hơi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *