Cùng với chiều cao, cân nặng được xem là một trong những chỉ số để đánh giá sự phát triển của trẻ có bình thường không. Vì vậy, nếu trẻ chậm tăng cân, đặc biệt trong thời gian dài, đây là dấu hiệu cảnh báo cơ thể trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng hoặc trẻ mắc phải bệnh lý liên quan cần can thiệp kịp thời. Nếu không, có thể dẫn tới trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, hệ thống miễn dịch bị suy giảm, chậm phát triển trí não…
Dấu hiệu nhận biết bé chậm tăng cân
Một trong những dấu hiệu trẻ chậm tăng cân rõ ràng nhất là kích thước. Con của bạn nhỏ hơn nhiều so với những đứa trẻ khác cùng tuổi. Kích thước có thể là cân nặng, chiều cao, kích thước đầu hoặc cả ba.
Đối với trẻ sơ sinh, nếu bé có các biểu hiện sau đây, rất có thể em bé bị chậm tăng cân:
– Trẻ sơ sinh tăng cân ít hơn 18g/ngày; (Bình thường trung bình mỗi ngày bé sẽ tăng 20 – 30g cân nặng)
– Trẻ sụt cân và không phục hồi được cân nặng sau 3 tuần;
Nếu em bé của bạn không được cung cấp đủ calo, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng sau:
– Bé mất hứng thú với thế giới xung quanh, không vui vẻ, mắt có nét lo lắng và da nhăn;
– Bé ngủ thường xuyên hơn và giấc dài hơn;
– Bé lờ đờ, thường xuyên quấy khóc (Hay khóc thét hoặc đôi khi the thé yếu ớt);
– Nước tiểu đặc và có màu vàng đậm;
– Trẻ ít đi ngoài, hay thậm chí nhiều ngày không đi ngoài;
– Đường tăng trưởng của trẻ không tăng đều;
– Trẻ chậm hoặc bỏ qua các cột mốc quan trọng: Trẻ không biết lật, chậm ngồi hoặc đi so với những đứa bé khác cùng tuổi.
Trẻ chậm tăng cân (biểu hiện rõ nhất là biếng ăn) nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp – bổ sung dưỡng chất kịp thời, nhất là giai đoạn 5 năm đầu đời, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể trạng mà còn ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ trong tương lai.
Nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng cân
Chất và lượng sữa không phù hợp
– Với trẻ bú sữa mẹ: Mẹ ít sữa, bị mất sữa hoặc sữa không đủ dinh dưỡng do chế độ ăn uống kiêng khem quá mức, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng… Hoặc mẹ cho trẻ bú không đủ lượng sữa theo khuyến nghị và cho trẻ bú không đúng cách.
– Với trẻ bú sữa công thức: Mẹ chọn loại sữa công thức không phù hợp với độ tuổi hoặc khẩu vị khiến trẻ lười bú, bú ít so với khuyến nghị. Hoặc mẹ pha sữa quá loãng chưa đủ cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cần thiết mà cơ thể cần. Hoặc mẹ pha sữa quá đặc gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa khiến trẻ không hấp thu được dưỡng chất để phát triển.
Mẹ mắc sai lầm khi chế biến thực phẩm, cho trẻ ăn uống
Khi thấy bé chậm tăng cân, đa phần các bạn mẹ sẽ tẩm bổ cho bé thêm nhiều các loại thực phẩm giàu chất đạm. Vì cho rằng ăn nhiều thực phẩm giàu protein sẽ tốt cho trẻ chậm tăng cân. Đây là sai lầm thường mắc phải của bậc phụ huynh khi nuôi con.
Cho trẻ ăn quá nhiều đạm vô tình khiến trẻ trở nên biếng ăn, chưa kể còn ảnh hưởng đến gan và thận do phải làm việc quá sức.
Lạm dụng nước hầm xương, thịt để nấu cháo, chế biến món ăn cho trẻ (không cho con ăn cả “xác” thực phẩm) vì nghĩ rằng loại nước này giàu dinh dưỡng, tốt cho trẻ. Thực chất, nước hầm xương chứa rất ít dưỡng chất.
Trẻ thiếu vitamin và khoáng chất
Thực tế, có không ít trường hợp bé chậm tăng cân, thấp bé so với các bạn cùng tuổi do chế độ ăn uống hàng ngày không đảm bảo hoặc thiếu hụt vitamin và khoáng chất quan trọng đối với sự phát triển như sắt, kẽm, canxi, kali, vitamin A, B, D…
Trẻ mắc các vấn đề bệnh lý
– Bệnh về đường tiêu hóa: Bé chậm tăng cân do mắc các vấn đề về đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, táo bón, cơ thể kém hấp thu, hay nôn trớ, trào ngược dạ dày thực quản, bất dung nạp lactose,… gây ảnh hưởng đến tiêu hóa và kém hấp thu dinh dưỡng ở trẻ.
– Bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột: Giun, sán sống ký sinh trong đường ruột và hút hết mọi dưỡng chất trẻ ăn vào;
– Bệnh lý miệng – hầu – họng;
– Bệnh tim bẩm sinh,…
Trẻ biếng ăn
Tình trạng lười/chán hoặc biếng ăn ở trẻ cũng khiến cân nặng đứng yên một chỗ mãi không tăng. Do biếng ăn nên các dưỡng chất nạp vào cơ thể không đủ cho sự phát triển, vận động hàng ngày vì vậy khiến trẻ chậm tăng cân.
Trẻ quá hiếu động
Hiếu động hoặc hiếu động quá mức bình thường sẽ khiến tốc độ trao đổi chất diễn ra nhanh chóng, điều này khiến cơ thể trẻ tiêu hao nhiều năng lượng. Việc cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng trong khi lượng dưỡng chất nạp vào cơ thể không đủ, thiếu hụt cũng sẽ khiến trẻ chậm tăng cân. Việc ham chơi và mất tập trung khi ăn làm trầm trọng thêm tình trạng chậm tăng cân ở trẻ.
Sai lầm trong cách chăm sóc trẻ
Khi bé chậm tăng cân, mẹ thường xuyên cho bé ăn cháo dinh dưỡng nấu sẵn. Bận rộn không có thời gian chuẩn bị bữa ăn cho trẻ chu đáo nhiều mẹ chọn giải pháp cho trẻ ăn cháo dinh dưỡng nấu sẵn để tiết kiệm thời gian.
Chuyên gia khuyến cáo, nếu cho trẻ ăn cháo dinh dưỡng nấu sẵn thường xuyên sẽ khiến trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng ảnh hưởng tới sự phát triển cân nặng và chiều cao. Chưa kể, trẻ ăn thực phẩm không an toàn có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa non nớt.