Trẻ 8 tháng đang ở trong gian đoạn ăn dặm, chuyển giao từ việc thuần bú sữa sang làm quen với các thức ăn mới. Nên mẹ thường hay gặp tình trạng con biếng ăn ở giai đoạn này. Qua bài viết này, hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của việc biếng ăn và cách khắc phục hiệu quả nhé!
Nguyên nhân trẻ biếng ăn
Có nhiều nguyên nhân làm cho trẻ 8 tháng tuổi biếng ăn, nhưng được chia thành 3 nhóm chính như sau:
Nguyên nhân sinh lý
Mọc răng là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ 8 tháng tuổi biếng ăn. Bởi đây là giai đoạn trẻ bắt đầu nhú những chiếc răng nhỏ xinh đầu tiên nên trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, ngứa nướu, tiêu chảy hoặc sốt nhẹ làm cơ thể mệt mỏi, không muốn ăn uống. Đồng thời, lúc này trẻ cũng đang ăn dặm với thức ăn đặc và cứng hơn, lượng thức ăn nhiều hơn. Sự thay đổi này khiến trẻ chưa kịp thích nghi nên có thể dẫn đến chán ăn, không chịu ‘hợp tác’ khi ăn uống.
Nguyên nhân tâm lý
Việc trẻ bị ép ăn nhiều hoặc ăn các món trẻ không thích sẽ gây ra nỗi sợ tâm lý. Lâu dần khi thấy thức ăn, trẻ sẽ thấy sợ hãi. Ngoài ra, một số trẻ còn kén ăn, biết chọn lọc những món ăn mình thích và từ chối ăn những thực phẩm mới.
Nguyên nhân bệnh lý
Trẻ 8 tháng biếng ăn còn có thể do các bệnh lý. Ở giai đoạn này trẻ rất hiếu động, rất tò mò và thích di chuyển để khám phá các đồ vật xung quanh. Tuy nhiên, hệ miễn dịch của trẻ khá non yếu nên con dễ mắc các bệnh như viêm họng, cúm… dẫn đến mệt mỏi và biếng ăn.
Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa của trẻ cũng chưa hoàn thiện nên nếu chế độ ăn dặm của trẻ không khoa học hoặc uống sữa công thức không phù hợp (trường hợp không được nuôi bằng sữa mẹ) thì trẻ cũng có nguy cơ cao bị táo bón, rối loạn tiêu hóa… và dẫn đến biếng ăn.
Cách cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ 8 tháng tuổi
Dù xảy ra trong thời gian ngắn hay dài thì biếng ăn cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ như làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, kém phát triển về thể chất lẫn trí não. Để cải thiện tình trạng này, cha mẹ có thể áp dụng các cách sau:
Với trẻ 8 tháng biếng ăn sinh lý
Nếu trẻ chán ăn do mọc răng gây đau nhức hoặc do chế độ ăn uống thì mẹ nên:
Tăng lượng sữa và bữa ăn phụ: Ngoài 3 bữa chính, mẹ nên cho trẻ ăn thêm 1 – 2 bữa phụ nhẹ như sữa chua, trái cây,… Đồng thời, tăng lượng sữa cho con bú để cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết do trẻ ít ăn uống.
Ưu tiên chọn những món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa: Mẹ nên nấu các món ăn mềm, lỏng để con không phải nhai quá nhiều, đặc biệt là trong giai đoạn mọc răng. Với những trẻ chưa kịp thích nghi với chế độ ăn dặm với thực phẩm rắn hơn, mẹ cũng nên kiên trì, cho con ăn theo nguyên tắc từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều để tránh gây áp lực ăn uống cho trẻ.
Đa dạng thực đơn dinh dưỡng với đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất: Thực đơn ăn uống của trẻ 8 tháng tuổi cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất gồm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Theo đó, mỗi bữa ăn trẻ 8 tháng tuổi cần dung nạp 50 – 60gr chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa), 50 – 60gr tinh bột (gạo, ngũ cốc), 15gr chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật), 50 – 60gr vitamin và khoáng chất (trái cây, rau củ). Mẹ cũng nên thường xuyên thay đổi thực đơn để kích thích con ăn uống ngon miệng hơn.
Ngoài ra, không nên cho trẻ ăn vặt trước bữa ăn vì dễ khiến trẻ đầy bụng, không còn muốn ăn nữa.
Với trẻ biếng ăn do tâm lý
Để trẻ có những bữa ăn vui vẻ và thích thú, cha mẹ nên:
Kiên nhẫn cho con ăn và không ép trẻ ăn khi con không muốn: Thực tế, sự quát mắng và thúc ép của cha mẹ chỉ hiến trẻ thêm sợ hãi và dễ dẫn đến ám ảnh trong từng bữa ăn. Chính vì vậy, dù con có lười ăn, các bậc phụ huynh cũng hãy thật kiên nhẫn, nên trò chuyện, khen ngợi khi trẻ ăn giỏi để tạo không khí thoải mái cho con khi đến bữa ăn.
Tìm hiểu sở thích, khẩu vị của trẻ: Cha mẹ nên tìm hiểu trẻ ghét gì, thích gì từ đó xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp, đúng với sở thích của con.
Trang trí món ăn bắt mắt để trẻ thích thú với đồ ăn: Trẻ con luôn cảm thấy hứng thú với những điều mới mẻ. Vậy nên cha mẹ hãy cố gắng tạo hình thức ăn đủ màu sắc bắt mắt để trẻ có hứng thú và tăng cảm giác thèm ăn.
Tạo thói quen ăn uống khoa học cho trẻ: Khi ăn, trẻ phải ngồi vào bàn ghế và tập trung ăn. Nếu trẻ không chịu ăn hay quấy khóc, cha mẹ hãy kiên trì dỗ dành.
Với trẻ biếng ăn do bệnh lý
Trường hợp trẻ 8 tháng biếng ăn nghi ngờ do bệnh lý, cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám sớm. Khi các bệnh lý được chữa trị dứt điểm, cơ thể khỏe khoắn thì việc ăn uống cũng cải thiện hơn.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tăng cường bổ sung các loại hoa quả, sữa chua, nước ép trái cây giàu vitamin và khoáng chất mà con thích ăn để trẻ có thêm sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch chống lại các tác nhân môi trường, mau chóng hồi phục sức khỏe.
Với trẻ biếng ăn do rối loạn tiêu hóa vì uống sữa công thức không phù hợp, cha mẹ cần cân nhắc đổi sữa cho con. Để bảo vệ hệ tiêu hóa non yếu của trẻ và giúp con uống sữa ngon miệng, phụ huynh nên ưu tiên chọn sữa bột có đạm sữa mềm, nhỏ, dễ tiêu hóa cùng hương vị sữa thanh nhạt tự nhiên.
Hy vọng bài viết đã mang lại nhiều thông tin bổ ích về tình trạng trẻ 8 tháng tuổi biếng ăn. Qua đây, mong rằng có thể giúp cha mẹ có thêm nhiều kinh nghiệm để chăm sóc trẻ chu đáo, giúp con vượt qua giai đoạn biếng ăn, dung nạp đủ chất dinh dưỡng để lớn khôn.