Vai trò của hệ tiêu hoá đối với sữa khoẻ của trẻ

Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh là tiền đề cơ bản để giúp trẻ phát triển tốt nhất. Nó không chỉ đảm bảo trẻ ăn ngon, hấp thu tốt dưỡng chất mà còn hỗ trợ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, tránh xa bệnh tật và kích thích phát triển trí não.

Vai trò của hệ tiêu hóa

Nếu hệ hô hấp cung cấp oxy cho mọi hoạt động của tế bào, hệ tim mạch vận chuyển máu, đưa oxy đến khắp nơi trong cơ thể thì hệ tiêu hóa đóng vai trò tiếp nhận, hấp thu thức ăn và thải các chất không thể tiêu hóa ra ngoài. Vì thế, hệ tiêu hóa khỏe mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng cơ thể và đóng góp cho sự phát triển của trẻ.

Hệ tiêu hóa là nơi biến thức ăn thành các chất dinh dưỡng, từ đó cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp cơ thể tăng trưởng và chữa lành các tế bào bị tổn thương. Hệ tiêu hóa (đường tiêu hóa) là một ống xoắn dài bắt đầu từ miệng rồi đến thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và kết thúc ở hậu môn, phối hợp với nhau nhịp nhàng để vận chuyển và phá vỡ thức ăn bằng các enzyme và hormone.

Hệ tiêu hóa đóng vai trò cung cấp năng lượng cho các hoạt động của trẻ, vì vậy khi một bộ phận của hệ tiêu hóa bị trục trặc, toàn bộ hệ thống cũng hoạt động kém hiệu quả theo. Kết quả là trẻ không có đủ năng lượng, chất dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh.

Các rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ

Đầy hơi, khó tiêu

Trong quá trình ăn uống, không khí sẽ theo thức ăn vào dạ dày. Nếu trẻ ăn quá nhanh hoặc uống nhiều nước có gas, nhai kẹo cao su… trẻ có thể nuốt thêm không khí. Đây là lý do gây đau tức dạ dày, đầy hơi và khó tiêu hóa thức ăn. Nếu trẻ thường xuyên bị đau bụng đầy hơi, mẹ hãy cho con đi khám để chắc chắn con không gặp phải tình trạng nguy hiểm nào.

Nhiễm khuẩn

Vi khuẩn và virus có thể gây rối loạn hệ tiêu hóa non nớt của trẻ. Trẻ em có thể bị bệnh từ các loại thức ăn chưa được rửa sạch hoặc chế biến không đúng cách. Nhiễm khuẩn có thể gây đau dạ dày, sốt, nôn mửa, tiêu chảy. Virus cũng có thể lây từ trẻ này sang trẻ khác. Mẹ cần rèn cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đồng thời, thực hiện an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi để bảo vệ trẻ khỏi các loại vi khuẩn, virus gây bệnh.

Tiêu chảy

Trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều hơn ba lần một ngày là dấu hiệu của bệnh tiêu chảy. Trẻ bị tiêu chảy có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, di ứng thực phẩm, dị ứng thuốc, sử dụng kháng sinh… Tiêu chảy thường hết trong 1-2 ngày. Trong trường hợp kéo dài hơn, mẹ nên đưa trẻ đi khám và có biện pháp bù lại lượng nước và điện giải đã mất.

Táo bón

Táo bón chủ yếu là do chế độ ăn thiếu chất xơ gây ra. Trẻ em có thể bị táo bón khi không đi vệ sinh mỗi ngày, không uống đủ nước, không chịu ăn rau xanh, hoa quả hoặc ăn quá nhiều sản phẩm từ sữa. Nhiều mẹ thường chủ quan trước tình trạng táo bón của trẻ, cần lưu ý đưa con tới cơ sở y tế khi táo bón kéo dài hơn một tuần và có các triệu chứng sốt, nôn mửa, phân có máu.

Làm sao để trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh?

Khi đã biết được vai trò quan trọng của sức khỏe hệ tiêu hóa với sự phát triển của trẻ nhỏ, mẹ cần có biện pháp cụ thể để bảo vệ hệ tiêu hóa cho con, đặc biệt với trẻ thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa.

Đầu tiên, cha mẹ cần phải tập cho con thói quen ăn uống lành mạnh, ăn nhiều chất xơ, tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa. Sau đó, đều đặn bổ sung bào tử lợi khuẩn, nấm men cùng vitamin, khoáng chất, acid amin,… hàng ngày sẽ giúp thiết lập tốt hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ trẻ ăn ngon, hấp thu tốt dưỡng chất và đào thải độc tố.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *