Sắt có vai trò như thế nào trong thời kỳ mang thai?

Trong quá trình mang thai, người mẹ cần có đầy đủ các chất dinh dưỡng để phục vụ cho những thay đổi về mặt sinh lý, giải phẫu, sinh hóa của các cơ quan trong cơ thể. Trong đó sắt đóng vai trò quan trọng cho quá trình tạo máu tham gia vào vòng tuần hoàn trong cơ thể mẹ, quá trình phát triển của bào thai, nhau thai và phòng nhiễm khuẩn cho cơ thể.

Trong quá trình mang thai, người phụ nữ cần 1000 mg sắt để làm tăng khối lượng máu mẹ, cung cấp máu cho thai nhi và bù lại lượng máu mất lúc sinh. Sắt là nguồn nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin, làm cho hồng cầu có màu đỏ, giúp vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể người mẹ và thai nhi. Sắt cũng là thành phần của hemoglobin, có trong các mô cơ, có tác dụng dự trữ oxy cho hoạt động của mô cơ, bằng cách kết hợp với các chất dinh dưỡng khác để giải phóng năng lượng cho sự co cơ. Đặc biệt đối với những người phụ nữ mang thai, sắt giúp tạo nên một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.

Trong quá trình hình thành hồng cầu và cấu tạo nên enzym hệ miễn dịch, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể thì sắt đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Thiếu sắt có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu cũng như mệt mỏi, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, thiếu sắt còn có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Việc vận chuyển oxy cho cơ thể mẹ và thai nhi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu thiếu sắt.

Ngoài việc mệt mỏi, thiếu sắt sẽ khiến bà bầu có cảm giác chán ăn, khó ngủ. Nó còn là nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng của mẹ dẫn đến nhiễm trùng. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ cao thiếu máu, dẫn đến tình trạng sức khỏe kém. Đồng thời thiếu sắt sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, nhiễm trùng hậu sản, băng huyết sau sinh, suy nhược cơ thể… Đây cũng là yếu tố dẫn đến sự suy dinh dưỡng bào thai, non tháng, nhẹ cân, ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực và trí lực của trẻ sau này.

Mỗi ngày mẹ bầu cần nạp bao nhiêu sắt? 

– Trước mang thai, một người phụ nữ cần 15mg sắt mỗi ngày. Đây là một lượng vi chất không nhỏ và nhiều người thường không đáp ứng đủ lượng sắt cho cơ thể như khuyến nghị.

– Khi mang thai, lượng sắt cần cho cơ thể sẽ tăng gấp đôi, khoảng 30mg/ngày. Nếu không cung cấp đủ, mẹ bầu sẽ mắc chứng thiếu máu, ảnh hưởng tới sức khỏe của cả thai nhi.

Bổ sung sắt qua đâu?

Cách tốt nhất để dự phòng thiếu sắt cũng như thiếu các vi chất dinh dưỡng khác là duy trì chế độ ăn đa dạng thực phẩm. Nên chọn các thực phẩm giàu sắt trong bữa ăn hàng ngày. Thức ăn động vật chứa nhiều sắt bao gồm; gan các loại động vật: lợn, gà, vịt, bò, trâu…và các phủ tạng khác như: tim, bầu dục, đặc biệt tiết có hàm lượng sắt rất cao.

Các loại thịt bò, thịt lợn cũng chứa nhiều sắt, lòng đỏ trứng và các loại thủy hải sản cũng chứa nhiều sắt. Sắt trong các thức ăn có nguồn gốc từ động vật có giá trị sinh học cao và khả năng hấp thụ tốt hơn so với sắt có nguồn gốc thực vật. Trong các thức ăn nguồn gốc thực vật thì sắt thì sắt có nhiều trong đậu đỗ, vừng lạc, các loại rau màu xanh thẫm; rau muống, rau ngót, mồng tơi, rau đay…Ngoài ra, nên chọn các thực phẩm được bổ sung vi chất sắt thay cho các thực phẩm cùng loại nhưng không được bổ sung sắt như nước mắm, xì dầu, hạt nêm có bổ sung sắt, bánh quy, bột dinh dưỡng cho trẻ em.

Ngoài việc bổ sung chất sắt thì các bà mẹ cũng nên lưu ý bổ sung thêm các chất khác như Folate và dạng acid folic tổng hợp của nó, Vitamin B-12,… bởi các chất này cũng tham gia vào quá trình tạo máu

Mẹ bầu cũng có thể bổ sung sắt qua viên uống hàng ngày. Tuy nhiên trước khi sử dụng thuốc bổ sung sắt nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Khi sử dụng thuốc phải tuân thủ theo chỉ định của thầy thuốc tránh bổ sung sắt quá liều lượng có thể gây ra nguy cơ xơ gan, bệnh cơ tim, đái tháo đường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *